Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam

Ngày 23-8, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo “Cơ sở khoa học xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam – phiên bản 2015”. Kết quả tham vấn của hội thảo sẽ cung cấp cơ sở khoa học và kế hoạch chi tiết xây dựng kịch bản năm 2015, phục vụ cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu.

Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam – phiên bản 2015

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường Trần Thục cho biết: những năm qua, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đối khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng. Nhận thức rõ tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, cũng như những cơ hội do biến đổi khí hậu có thể mang lại, đồng thời xác định việc ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2008), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (năm 2011), Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020 (năm 2012). Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng ban hành Nghị quyết số 24 NQ/TW, ngày 3-6-2013 về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam để công bố vào các năm 2014 – 2015 và 2019 – 2020.

TS. Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng, Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường trình bày những nét cơ bản về Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong báo cáo lần thứ năm của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), bao gồm: nội dung và lộ trình cập nhật AR5; biểu hiện của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các kịch bản khí nhà kính; phương pháp xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai gần và xa; tính chưa chắc chắn của các kịch bản; Át – lát kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực.

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan

Tiến sĩ Hoàng Đức Cường cho biết dự thảo Báo cáo đánh giá lần thứ 5 của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đánh giá tốc độ biến đổi khí hậu gia tăng theo hướng cực đoan hơn so với các đánh giá trước đây, đặc biệt là các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ cao gia tăng mạnh mẽ. Đơn cử, nồng độ khí nhà kính CO² trong 6 năm gần đây đã tăng tới hơn 40% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất tăng mạnh ở vùng lục địa và Bắc cực.

Xu thế biến đổi của nhiệt độ mặt nước biển tăng mạnh trong giai đoạn 1950 – 2011, điều đó gây giãn nở nhiệt ở khu vực đại dương, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước biển dâng. Diện tích băng phủ trên Trái đất giảm tương đối rõ. Dự đoán rằng đến năm 2100, có thể sẽ không còn băng ở Bắc cực. Xét trong 20 năm gần đây, nước biển dâng trung bình 3,2 mm/năm, tốc độ tăng gấp đôi so với thời gian trước đây. Dự báo, đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển trung bình toàn cầu dâng tới 43 đến 73 cm và có thể đến 1m ở kịch bản phát thải nhà kính cao nhất.

Đáng lưu ý, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số vấn đề liên quan đến đánh giá tình trạng hạn hán, theo đó chưa đủ số liệu để đánh giá chính xác hiện tượng thiên tai này. Tần số xuất hiện các cơn bão chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng cường độ bão tăng lên rõ rệt.

Xây dựng một kịch bản phù hợp và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước./.

Ảnh: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:M%C6%B0a_l%C5%A9_ng%E1%BA%ADp_l%C3%A0ng_Mai_X%C3%A1.JPG

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác