Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


NASA phát hiện hai hành tinh giống Trái Đất nhất từ trước đến nay

Hôm 18/4, cơ quan vũ trụ Mỹ NASA cho biết nhờ vào kính viễn vọng không gian Kepler, họ đã phát hiện ra hai hành tinh được xem là có điều kiện phù hợp cho cuộc sống giống như Trái Đất nhất từ trước đến nay nằm trong chòm sao Thiên Cầm (tiếng La-tinh: Lyra).

Những hành tinh nằm trong vùng có khả năng có sự sống của sao Kepler-62

Các hành tinh vừa được NASA công bố là những phát hiện mới nhất của sứ mệnh thăm dò hai ngôi sao Kepler-62 (cách Trái Đất 1200 năm ánh sáng) và Kepler-69 (cách Trái Đất 2700 năm ánh sáng). Cả hai ngôi sao này đều nằm trong chòm sao Thiên Cầm. Justin Crepp, giáo sư vật lý thiên văn hiện đang làm việc tại trường đại học University of Notre-Dame cho biết: “Theo những gì chúng tôi có thể quan sát, bao gồm kích thước và chu kì quỹ đạo quanh các ngôi sao của chúng, hai hành tinh ngoài hệ Mặt trời này là những hành tinh giống Trái Đất nhất từ trước đến nay”.

Hai hành tinh mới được phát hiện nói trên quay quanh ngôi sao Kepler-62. Đây là một ngôi sao lùn K2 với kích thước bằng 2/3 Mặt Trời và độ sáng bằng 1/5, ước tính khoảng 7 tỉ năm tuổi và trẻ hơn Mặt Trời của chúng ta 5 tỉ năm. Trong số 5 hành tinh được tìm thấy quay quanh nó, hai hành tinh Kepler-62e và Kepler-62f nằm bên trong vùng có thể có sự sống của ngôi sao, tức là khu vực có nhiệt độ bề mặt phù hợp, không quá nóng cũng không quá lạnh nên nước có thể tồn tại dưới dạng lỏng. Kepler-62f có kích thước khoảng gấp 1,41 lần Trái đất, và mất khoảng 267,3 ngày để hoàn tất một chu kì quỹ đạo, trong khi Kepler-62e, có kích thước gấp 1,61 lần Trái Đất, mất khoảng 122 ngày.

Tuy nhiên, việc Kepler-62e và Kepler-62f có thật sự được cấu tạo từ đá hoặc liệu trong khí quyển của chúng có nước hay không vẫn chưa có câu trả lời, đơn giản vì việc xác minh nằm ngoài khả năng của kính viễn vọng Kepler, cũng như bất cứ chiếc kính viễn vọng nào khác. Kính viễn vọng của Kepler hoạt động dựa vào việc phân tích những thay đổi rất nhỏ trong dải ánh sáng phát ra từ các hành tinh, và đây là quá trình rất lâu dài.

Tàu không gian Kepler và sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất

Kepler là một đài quan sát vũ trụ được NASA thiết kế và đưa vào không gian với nhiệm vụ tìm kiếm các hành tinh kiểu Trái Đất đang quay xung quanh các ngôi sao khác. Được đặt tên theo tên của nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler, con tàu này được phóng vào không gian từ tháng 3 năm 2009, đến cuối năm, Kepler đã tìm ra hành tinh đầu tiên mang tên Kepler 22b nằm trong vùng có khả năng duy trì sự sống của ngôi sao Kepler 22 nằm cách xa Trái Đất 600 năm ánh sáng. Nhưng theo tính toán, hành tinh này lớn hơn Trái Đất 2,4 lần nên các nhà thiên viên văn học vẫn không chắc về thành phần cấu tạo của nó.

Trong quá trình thăm dò, Kepler liên tục đo độ sáng của hơn 100 000 ngôi sao giống với Mặt Trời thuộc hai chòm sao Thiên Nga (tiếng La-tinh: Cygnus) và Thiên Cầm nhằm tìm kiếm các hành tinh bay ngang qua. Nếu có, hành tinh này sẽ khiến ánh sáng từ ngôi sao mờ đi trong giây lát. Bằng cách nghiên cứu thời gian mờ và độ bao phủ, các nhà khoa học có thể tính toán được độ lớn của hành tinh và khoảng cách của nó đến ngôi sao. Cho đến nay, Kepler đã phát hiện được hơn 60 hành tinh kiểu Trái Đất. Thomas Barclay, nhà khoa học thuộc chương trình Kepler tại Viện nghiên cứu Bay Aera Environmental cho biết: “Đến nay, chúng ta chỉ biết một ngôi sao là sao chủ của một hành tinh có sự sống, đó là Mặt Trời. Việc tìm kiếm một hành tinh trong vùng có thể có sự sống quay quanh một ngôi sao giống như Mặt Trời của chúng ta là một cột mốc quan trọng hướng đến những hành tinh thật sự giống Trái Đất”.

Ảnh: http://en.wikipedia.org/wiki/File:The_diagram_compares_the_planets_of_the_inner_solar_system_to_Kepler-62.jpg

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác