Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


Cầu Long Biên nhìn từ trên cao qua góc quay của flycam

 

Cầu Long Biên – một trong những biểu tượng kiến trúc của thủ đô Hà Nội – hiện lên ấn tượng dưới góc quay của camera đặt trên máy bay điều khiển từ xa: sông Hồng đỏ nặng phù sa, những bãi bồi xanh ngắt, bầu không khí trong lành và mát mẻ… Long Biên từng là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông vào thế kỷ 19.

Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái hay cầu Bồ Đề (vì nó được bắc qua bến Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm). Sau Cách Mạng tháng Tám 1945, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên.

Trước đây, con sông Cái (tên gọi của sông Hồng) rất hung dữ, nước chảy cuồn cuộn như thác đổ, khiến tàu bè qua lại cũng rất khó khăn. Nó trở thành trở ngại lớn trong việc giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh khác. Vì thế, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quyết tâm xây dựng một cây cầu huyết mạch. Khi đó có tới 6 đơn vị tham gia đấu thầu, sau nhiều lần chọn lọc những thiết kế của các bên ngày 30/12/1897, Hội đồng xét duyệt đã quyết định chọn đơn vị Daydé & Pillé thi công cầu Long Biên với tổng số tiền thực hiện là 5.390.794 franc Pháp.

Khi xây dựng cầu toàn quyền Đông Dương đã huy động một lực lượng hùng hậu nhất, với 3.000 công nhân người bản xứ gần 50 kỹ sư, chuyên gia người Pháp sang trực tiếp làm việc. Người ta đã dùng đến 30.000m3 đá và kim loại (5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì). Vì thế, ban đầu người Pháp dự trù làm cây cầu trong 5 năm, nhưng thực tế sau 3 năm 9 tháng, cây cầu đã hoàn thành. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ 1898 -1902 – Daydé & Pillé – Paris.

Một công trình kiến trúc độc đáo

Cầu Long Biên được thiết kế theo cấu trúc thép kiểu Eiffel, dài 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ được thiết kế đi theo quy luât đi bên phía tay trái cầu. Điều này khác với cách phân đường đi thông thường phía bên phải ở Việt Nam.

Khi được xây dựng, cầu Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, nổi bật nhất ở Viễn Đông, là một biểu tượng của lối kiến trúc cầu hiện đại khi đó. Với lịch sử hơn 100 năm tuổi cùng những chứng tích của nó Long Biên hoàn toàn có thể sánh ngang với những câu cầu cổ trên thế giới như cầu Khaju ở Iran, cầu tháp ở London (Anh) và cầu Vechio ở Italia.

Sang thời bình, do giao thông ngày một tăng trong thập kỷ 90, cầu Long Biên được sử dụng chỉ cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Việt Nam xây dựng thêm cầu Chương Dương nằm trong mục tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại và để phát triển kinh tế, xã hội đô thị ở hai bờ sông Hồng Hà Nội. Cuối năm 2005 xe máy được phép đi qua cầu Long Biên để giảm ùn tắc giao thông cho cầu Chương Dương.

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác