Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


Phát hiện một hành tinh đang lang thang đơn độc trong không gian

Hành tinh khí nằm ngoài hệ Mặt Trời này có tên là PSO J318.5-22, chỉ cách Trái Đất 80 năm ánh sáng và có khối lượng lớn gấp 6 lần sao Mộc.

Hành tinh cô đơn

Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế vừa phát hiện một hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời đang trôi nổi một mình trong không gian mà không di chuyển theo quỹ đạo xung quanh một ngôi sao nào. Hành tinh khí này được đặt tên là PSO J318.5-22, nằm cách Trái Đất 80 năm ánh sáng (một năm ánh sáng tương đương với 9 460 tỷ kilômét) và có khối lượng lớn gấp 6 lần sao Mộc. Phát hiện nói trên của các nhà thiên văn học đã được đăng trên tạp chí Astrophysical Journal Letters của Mỹ. Hành tinh này được hình thành cách đây khoảng 12 triệu năm, tức là mới đang ở giai đoạn đầu đời.

Tác giả chính của nghiên cứu này, ông Michael Liu, làm việc tại Viện thiên văn học của trường Đại Học Hawaii ở Manoa cho biết: “Từ trước đến nay, chúng tôi chưa từng thấy một vật thể trôi nổi tự do nào như vậy trong không gian mà lại có tất cả các đặc điểm giống như một hành tinh trẻ có quỹ đạo xoay xung quanh các ngôi sao khác”. Ông nói thêm: “Tôi luôn tự hỏi liệu những hành tinh đơn độc như vậy có tồn tại hay không và bây giờ chúng ta đã có câu trả lời!”. Theo các nhà vật lý thiên văn, hành tinh này có thể có khối lượng nhẹ nhất từng thấy đối với một vật thể trôi nổi, nhưng đồng thời, nó cũng mang những đặc điểm riêng biệt nhất, trong đó phải kể đến khối lượng, màu sắc và năng lượng phát ra, giống như các hành tinh có quỹ đạo.

Hoạt động bên trong của các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời

Từ thập kỉ trước trở lại đây, càng ngày càng có nhiều hành tinh ngoài hệ Mặt Trời được phát hiện, với khoảng một nghìn hành tinh được tìm thấy bằng các phương pháp gián tiếp, chẳng hạn như nhờ vào bóng của nó in trên ngôi sao khi nó đi qua phía trước ngôi sao này. Nhưng rất ít hành tinh có thể quan sát được trực tiếp bởi vì phần lớn trong số đó đều quay quanh quỹ đạo của các ngôi sao trẻ cực kì sáng có ít hơn 200 triệu năm tuổi.

Đồng tác giả của nghiên cứu nói trên, ông Niall Deacon du Max Planck làm việc tại Viện thiên văn học của Đức cho rằng hành tinh PSO J318.5-22 “là cơ hội có một không hai giúp chúng ta quan sát hoạt động bên trong của một hành tinh khí khổng lồ giống sao Mộc ngay khi nó vừa mới sinh ra”. Các nhà thiên văn học đã tìm thấy hành tinh cô độc này nhờ vào kính viễn vọng Pan-STARRS 1 đặt trên đỉnh núi Haleakala ở Maui (Hawaii). Nhiều quan sát thực hiện với các kính viễn vọng khác đặt tại Hawaii cũng chỉ ra rằng hành tinh này có những đặc điểm tương tự như những hành tinh khí khổng lồ có quỹ đạo xoay quanh các ngôi sao trẻ.

Theo Le Point.fr.

Ảnh: dải Ngân hà

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác