Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


Nhà máy điện gió Bạc Liêu chính thức hòa lưới điện quốc gia

Vào lúc 15 giờ 30 ngày 29/5, Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du Lịch Công Lý , chủ đầu tư công trình điện gió Bạc Liêu đã tổ chức hòa vào lưới điện Quốc gia 10 tua-bin điện gió có công suất 16 MW, hoàn thành giai đoạn 1 của công trình điện gió Bạc Liêu. Cùng với nhà máy điện gió Tuy Phong, Bình Thuận, điện gió Bạc Liêu là một trong những dự án điện gió có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Nhà máy điện gió đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Sau gần 3 năm thi công, đến nay dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn 1, gồm 10 tua-bin gió, với công suất 16 MW, điện năng sản xuất 56 triệu KWh/năm, vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng.

Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu được khởi công xây dựng vào ngày 9.9.2010, tại xã ven biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) với công suất 99,2 MW, bao gồm 62 trụ tua-bin gió, công suất mỗi tua-bin là 1,6 MW, điện năng sản xuất toàn dự án khoảng 320 triệu KWh/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.200 tỉ đồng, diện tích đất xây dựng 500 héc ta. Giai đoạn 1 công suất phát điện đạt trên 55 triệu Kwh/năm. Tháng 7 tới đây, các đơn vị sẽ tiếp tục thi công 52 trụ tua-bin còn lại của công trình.

Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2014, giúp giảm sức ép thiếu điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhà máy điện gió Bạc Liêu được hòa vào lưới điện quốc gia là cột mốc quan trọng cho sự phát triển các nguồn năng lượng sạch ở nước ta, đặc biệt là phát triển điện gió ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Điện gió: nguồn năng lượng sạch vô tận

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization, WMO), Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất. Vùng lãnh thổ khai thác được năng lượng gió có tổng diện tích chiếm gần 9% diện tích cả nước. Sử dụng điện gió sẽ tiết kiệm nguồn năng lượng hóa thạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, khắc phục khủng hoảng năng lượng trong tương lai.

Nước ta có các dịện tích ven biển, thềm lục địa, vùng Tây Nguyên và các nơi khác trên lãnh thổ có nhiều tiềm năng về điện gió, rất cần được ưu tiên nghiên cứu, khai thác điện gió để cùng với các nguồn điện khác đáp ứng yêu cầu về điện phục vụ sản xuất và đời sống. Theo chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng thế giới, với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với chiều dài bờ biển trên 3.000 km, Việt Nam có tổng tiềm năng điện gió đạt 513.360 MW, gấp 200 lần công suất Nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam vào năm 2020. Theo bản đồ phân bố các cấp tốc độ gió của khu vực Đông Nam Á, do tổ chức True Wind Solutions LLC (Mỹ), khu vực ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận, Tây Nguyên, dãy Trường Sơn phía Bắc Trung bộ, nhiều nơi có tốc độ gió đạt từ 7, 8 và 9 m/giây, có thể phát điện với công suất lớn nối lưới điện quốc gia.

Trong Tổng sơ đồ điện VII, chính phủ đã đưa ra mục tiêu nâng tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW (tương đương công suất 1 lò phản ứng hạt nhân) vào năm 2020, và khoảng 6.200 MW (tương đương công suất 6 lò phản ứng hạt nhân) vào năm 2030; tức điện năng sản xuất từ nguồn điện gió sẽ chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030. Tuy nhiên, để khuyến khích đầu tư về năng lượng gió, cần có các chính sách về năng lượng tái tạo, mạng lưới điện, đầu tư… nhằm thu hút vốn cho các trạm điện gió.

Ảnh: http://en.wikipedia.org/wiki/File:El-v-01_ubt.jpeg

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác