Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


Hàng tỉ hành tinh có kích thước giống Trái đất có thể có sự sống

Trong thiên hà của chúng ta, hàng tỉ hành tinh có kích thước tương đương Trái đất đang quay xung quanh những ngôi sao giống như Mặt trời. Các nhà thiên văn học cho rằng những hành tinh này là những nơi có khả năng sinh sống được.

Trong Ngân Hà, có khoảng 55 tỉ ngôi sao và cứ năm ngôi sao thì có một ngôi sao giống với Mặt trời. Các ngôi sao giống Mặt trời này đều có một hành tinh với kích thước giống Trái đất đang quay xung quanh ở khoảng cách không quá xa cũng không quá gần, điều này giúp cho nhiệt độ của hành tinh giữ ở mức mà nước có thể tồn tại được, và như vậy thì sự sống cũng có khả năng tồn tại.

Để đưa ra kết luận nói trên, các nhà khoa học đã dựa trên các dữ liệu quan sát mà tàu không gian Kepler (hiện đã ngừng hoạt động) thu thập được trong chuyến hành trình đầu tiên kéo dài ba năm.

Chỉ có 12 năm ánh sáng

Nhà thiên văn học Erick Petigura thuộc trường Đại học California ở Berkeley (Hoa Kì), tác giả chính của nghiên cứu nói trên giải thích: “Tức là: trong số hàng nghìn ngôi sao chúng ta thấy trên trời vào buổi tối, ngôi sao gần nhất, giống với Mặt trời nhất, có một hành tinh với khối lượng tương đương Trái đất quay xung quanh và nằm trong khu vực có khả năng tồn tại sự sống, ngôi sao này chỉ cách chúng ta có 12 năm ánh sáng (một năm ánh sáng bằng 9.461 tỉ km) và có thể quan sát được bằng mắt thường.”

Nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) và được giới thiệu trong hội thảo về kính viễn vọng Kepler được tổ chức hồi đầu tháng 11 tại Moffett Field (phía tây California).

Đồng tác giả của nghiên cứu, Andrew Howard, một nhà thiên văn học làm việc tại Viện Thiên văn học Hawaii, cho biết: “Các kết quả thu được cho thấy trong Ngân Hà có khá nhiều hành tinh giống với Trái đất.”

3538 hành tinh ngoài hệ Mặt trời

Dựa trên các dữ liệu mà tàu không gian Kepler thu thập được, các nhà thiên văn học đã tìm ra 3538 hành tinh ngoài hệ Mặt trời, trong số đó 833 hành tinh đã được khẳng định chắc chắn.

Trong một buổi họp báo, nhà khoa học Jason Rowe thuộc Viện SETI (Viện Tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất) cho biết: Trong số 833 hành tinh này, có 647 hành tinh có kích thước tương đương Trái đất. Đến lượt mình, trong số 647 hành tinh này, chỉ có 104 hành tinh nằm trong khu vực có thể phát triển sự sống, và trong đó có 10 hành tinh có lẽ có cấu tạo bằng đá giống như Trái đất.

Sau hai năm đầu tiên phân tích các dữ liệu của tàu Kepler, các nhà thiên văn học chỉ tìm ra được 351 hành tinh ngoài hệ Mặt trời có kích thước giống Trái đất.

Tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng mặc dù có khối lượng tương đương Trái đất và nằm trong khu vực có khả năng phát triển sự sống, chưa chắc những hành tinh này đã thích hợp cho sự sống tồn tại.

Nhà nghiên cứu Geoffrey Marcy giải thích: “Một số hành tinh có khí quyển quá dày, khiến cho nhiệt độ bề mặt quá nóng nên các thực thể sống không thể tồn tại được. Trên thực tế, chúng ta vẫn chưa nắm được hết các loại hành tinh và các môi trường nơi sự sống có thể tồn tại.”

Các nhà thiên văn học này mới đây đã công bố phát hiện ra một hành tinh ngoài hệ Mặt trời mang tên Kepler-78b. Mặc dù kích thước và cấu tạo khá giống Trái đất nhưng hành tinh này lại là một nơi không thể duy trì sự sống do nhiệt độ của nó quá cao, lên tới từ 1500 đến 3000 độ C.

Nhà khoa học Andrew Howard cho biết: “Việc tìm thấy nhiều hành tinh giống Trái đất đang quay xung quanh những ngôi sao với khoảng cách tương đối gần sẽ giúp cho công việc nghiên cứu chuyên sâu của NASA trở nên dễ dàng hơn”.

Natalie Batalha, một nhà khoa học tham gia vào chương trình Kepler nói: “50 năm tới, chúng ta sẽ có thể quan sát được tính chất khí quyển của các hành tinh ngoài hệ Mặt trời và tiếp theo, mục tiêu đặt ra sẽ là chụp các bức ảnh với chất lượng cao về bề mặt của chúng, xem xét địa hình và tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống.”

Tàu quan sát không gian Kepler trị giá 600 triệu đô-la, được phóng vào không gian vào năm 2009. Trong vòng gần 4 năm, con tàu này có sứ mệnh đi khảo sát hơn 100.000 ngôi sao giống Mặt trời của chúng ta, nằm trong hai chòm sao Thiên Nga (tiếng La-tinh: Cygnus) và Thiên Cầm của Ngân Hà.

Nhiệm vụ của tàu Kepler kéo dài đến tháng 11/2012 thì kết thúc, sau chuyến hành trình đầu tiên thu thập được một lượng thông tin khổng lồ giúp các chuyên gia về khoa học hành tinh tiến hành nghiên cứu trong hai năm tới đây.

Nguồn: Theo Le Huffington Post.

Ảnh: Minh họa của NASA về Kepler-22b,hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đầu tiên được NASA xác nhận là có điều kiện thích hợp cho sự sống phát triển.

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác