Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


Bảo tàng tư nhân - những điểm đến hấp dẫn ở Hà Nội

Bảo tàng tư nhân vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ở Hà Nội có 4 bảo tàng tư nhân đáng chú ý, rất thích hợp để bạn cùng gia đình chọn làm điểm nếu bạn vừa muốn đi tham quan khám phá ngoại thành Hà Nội vừa muốn tìm hiểu những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Hãy cùng thoitiethanoi điểm qua một số bảo tàng tư nhân trên địa bàn Hà Nội:

1. Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương nằm tại xã Hiền Lĩnh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Việt Phủ do họa sĩ Thành Chương đầu tư xây dựng với diện tích 10.000m2, bắt đầu khởi công vào cuối năm 2001 và được hoàn thành vào năm 2004. Nhiều năm qua, Việt Phủ Thành Chương được coi như bảo tàng tư nhân với phong cách kiến trúc độc đáo, đậm nét văn hoá dân gian Việt và là địa điểm lý tưởng dành tổ chức nhiều sự kiện của các tổ chức, đoàn thể. Đây cũng là một địa điểm tham quan dã ngoại, du lịch văn hóa không thể bỏ qua của thành phố Hà Nội.

Họa sĩ Thành Chương đã tạo nên một công trình nghệ thuật cá nhân độc đáo, với một không gian gần gũi, giao hòa với thiên nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa Việt từ ngàn xưa. Việt Phủ là một tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị, góp phần giữ gìn và tôn vinh văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Từ khi được đưa vào hoạt động, Việt Phủ Thành Chương đã ngay lập tức được công nhận như là một phương án bảo tồn văn hóa độc đáo, một di sản tinh thần của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước, những người yêu thích và muốn có một sự hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa, nghệ thuật và đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Để biết thêm chi tiết về giở mở cửa, giá vé tham quan, bạn có thể truy cập trang web: http://thanhchuongartist.com.vn/

2. Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ

Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ là một trong số không nhiều bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên ở nước ta, thành lập vào 2006, nằm tại thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

Trên thực tế, bảo tàng được xây dựng trên cơ sở một bộ sưu tập nghệ thuật khá đồ sộ của nữ họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ kể từ 1988 bao gồm hàng ngàn tác phẩm và hiện vật: hội họa, đồ họa, thư pháp, đồ gốm, đồ đồng, đồ thủ công mỹ nghệ dân gian cổ, v.v… Đây là những yếu tố khi gia nhập vào kiến trúc sinh thái có thể cấu thành nên một không gian “văn hóa – thị giác”, kết nối nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn trong lịch sử.

Tháng 6/2008, Bảo tàng Mỹ thuật Tư nhân Phan Thị Ngọc Mỹ được ông Toykichi Itoh – một nhà sưu tập tranh nghệ thuật tại Nhật Bản tặng một số tranh mà ông đã sưu tập được từ nhiều năm nay. Những bức tranh này đã được thẩm định và được trưng bày ở một số Bảo tàng Mỹ thuật tại Nhật Bản.

Ngoài các tác phẩm sưu tập, một phần quan trọng không thể không nhắc tới trong bảo tàng là những bức tranh do chính Phan Thị Ngọc Mỹ sáng tác. Với phong cách hiện thực mới mẻ, bà đã thể hiện khá thành công chuyên đề phong cảnh nông thôn tươi sáng, đầy trữ tình.

3. Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày

Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày là nơi tái hiện chân thật “địa ngục trần gian” với những đòn tra tấn dã man nơi nhà tù Côn Đảo đã được một nhóm các cựu chiến binh, đại diện là ông Lâm Văn Bảng, tự nguyện thành lập và xây dựng tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nơi đây đã lưu giữ hơn 3.000 hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm tại các nhà tù trong cả nước.

Ban đầu, nơi đây là khu trưng bày với cái tên giản dị là “Phòng truyền thống chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày”. Sau mấy chục năm ông Lâm Văn Bảng đã dồn tiền lương thương binh cộng thêm tiền gom góp của bạn bè, anh em họ hàng, đến năm 2007, khi hệ thống cơ sở vật chất được hoàn thành, bảo tàng chính thức được tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định công nhận với tên gọi “Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày”. Đây là lần đầu tiên một bảo tàng tư nhân ở Việt Nam thành lập và được công nhận.

Toàn bộ khu bảo tàng hiện nay có tới 10 phòng trưng bày với hơn 3.000 hiện vật, kỷ vật vô giá, trưng bày ở ba khu. Mỗi hiện vật tại đây gắn liền với một câu chuyện bi hùng của những chiến sĩ cách mạng đã phải đổi xương máu và cả tính mạng để giữ gìn và bảo vệ hòa bình cho đất nước. Với mục tiêu có nhiều người biết đến, đặc biệt là các thế hệ trẻ biết và chứng kiến các hiện vật chiến tranh, trong vài năm trở lại đây, Bảo tàng còn tổ chức đi trưng bầy hiện vật lưu động ở nhiều nơi. Một trong những hoạt động nổi bật của Bảo tàng là tổ chức giao lưu, nói chuyện truyền thống với nhân chứng lịch sử.

4. Bảo tàng Mỹ thuật Họa sĩ Tốt và Gia đình

Bảo tàng mỹ thuật Sỹ Tốt và gia đình được thành lập vào năm 2006 tại thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt (1919-2004). Ông là một họa sĩ có nhiều đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam và đã được Chủ tịch nước đã truy tặng “Giải thưởng Nhà nước” vào năm 2007 vì có những tác phẩm hội họa xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật.

Tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt gắn liền với những hoạ phẩm: Ơ Bố; Tiếng đàn bầu (sơn dầu), Lúa non buổi sớm; Em nào cũng được đi học ( bột mầu)… Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ tại các Bảo tàng Mỹ thuật trong nước hoặc trong sưu tập của các cá nhân trong và ngoài nước. Hiện tại Bảo tàng mang tên ông ở quê nhà còn lưu giữ và trưng bày 68 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trong đó một phần là những phác thảo gốc qua nhiều giai đoạn, nhiều thời gian khác nhau của cố họa sỹ Nguyễn Sỹ Tốt.

Nghệ thuật tranh sơn dầu và bột màu của họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt tinh tế, trong trẻo, đằm thắm, lung linh những sắc màu vốn có của hiện thực với một hình thức nghệ thuật giản dị và dễ hiểu, một nội dung được khơi nguồn từ nền văn minh lúa nước vừa truyền thống, vừa hiện đại, có khả năng đối thoại rộng rãi, định hình, định vị một phong cách nghệ thuật hiện thực giàu chất thơ trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Ảnh: Việt Phủ Thành Chương: http://photos.wikimapia.org/p/00/01/14/68/62_big.jpg

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác