Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

Giới thiệu chung

Kiến tạo địa hình karst ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bắt đầu diễn ra từ Đại Cổ sinh (Paleozoic) (cách đây khoảng 400 triệu năm) và là khu vực có địa hình karst cổ đại lớn nhất ở châu Á. Sau khi diễn ra những biến động kiến tạo lớn, địa hình karst của Vườn quốc gia đã trở nên rất phức tạp và mang nhiều đặc điểm địa mạo rất quan trọng. Trải dài cho đến tận biên giới với nước Cộng hòa nhân dân Lào, khu vực rộng lớn này có nhiều cảnh quan kì vĩ, trong đó có rất nhiều các hang động và sông chảy ngầm dưới lòng đất kéo dài tới hơn 65 km.

Giá trị phổ quát đặc biệt

Tổng hợp chung:

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở trung tâm của dãy núi Trường Sơn đi qua tỉnh Quảng Bình và phần phía tây tựa lưng vào khu bảo tồn tự nhiên Hin Namno của Lào. Vườn quốc gia có diện tích 85 754 ha bao gồm cả diện tích mặt đất và mặt nước, các rừng nguyên sinh và thứ sinh, các khu vực tái sinh tự nhiên, rừng nhiệt đới rậm và các xavan. Vườn cũng có những hang động lớn kì vĩ và giữ vai trò khoa học quan trọng.

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có hơn 104km hang động và sông ngầm, và vì thế, nó là một trong những hệ sinh thái karst đá vôi lớn nhất thế giới. Quá trình kiến tạo karst đã bắt đầu từ Đại Cổ sinh (cách đây 400 triệu năm) – và như vậy, đây là khu vực karts quan trọng cổ nhất châu Á. Trải qua vô vàn biến động kiến tạo, địa hình karst đã trở nên cực kì phức tạp, bao gồm một loạt các loại đá xếp tầng rất phức tạp và nhiều yếu tố địa mạo đa dạng. Địa hình karst không chỉ phức tạp mà còn cổ, vì thế nó có đa dạng địa chất cao cũng như các yếu tố địa mạo có tầm quan trọng đáng kể.
Quá trình kiến tạo địa hình karst không những đã giúp hình thành các dòng chảy ngầm mà còn tạo ra rất nhiều kiểu hang động, bao gồm: hang khô, hang nằm ngang mặt đất, hang treo, hang dendrite và hang giao cắt nhau. Với chiều dài hơn 44,5km, hang Phong Nha là hang nổi tiếng nhất của hệ thống hang này: thuyền chở khách du lịch có thể đi sâu vào trong đến tận 1 500m.

Khu vực này cũng có một số lượng lớn các loài động thực vật, hơn 569 loài có xương sống đã được ghi nhận, trong đó có 113 loài thuộc lớp thú, 81 loài bò sát và lưỡng cư, 302 loài chim và 72 loài cá. Mức độ đa dạng sinh thái và đa dạng loài đáng kinh ngạc này còn bao gồm cả một số loài đặc hữu cũng như các loài đang bị đe dọa như: hổ, gấu đen châu Á, voi châu Á, mang khổng lồ (muntiacus), chó hoang dingo, sao la, đây là loài vừa mới được phát hiện.

Tiêu chí (viii): Phong Nha là một phần của một cao nguyên đứt gãy bao trọn cả các khu vực karst Kẻ Bàng và Hin Namno. Vùng đá vôi dừng lại ở đây và bị xếp tầng phức tạp gồm các tầng đá phiến sét và sa thạch. Hiện tượng này cùng với các lớp vỏ phiến sét và granit bao ngoài đã tạo ra một kiểu địa hình độc đáo.

Các hang động mang các dấu tích của các giai đoạn lịch sử nối tiếp rõ ràng, mỗi một gian đoạn đã để lại những tầng hóa thạch khác nhau, những tầng hóa thạch này xưa kia bị chôn vùi nhưng hiện nay đã trở thành những paleokarst lộ ra trên mặt đất (tức là các địa hình karst hình thành từ các thời kì trước, có thể là đã rất lâu đời). Các hang động cũng ghi lại những dấu ấn biến động quan trọng đã tác động đến đường đi của các dòng chảy ngầm và cả các biến động ảnh hưởng đến quá trình hòa tan. Chúng ta có thể thấy ở đây trầm tích, sau đó là quá trình hòa tan, những khối tích tụ khổng lồ cũng như những thứ hiếm gặp, chẳng hạn như đá stromatolite sát mặt đất. Vị trí và hình dạng các hang động cho thấy rằng chúng có kích thước và hình thái như vậy là do các tác động hiện vẫn chưa chấm dứt vào tầng đá vôi, đá phiến sét và đá franit bao phủ ngoài. Trên bề mặt là một loạt các quang cảnh gây choáng ngợp, từ các ngọn núi đứt gãy mạnh cho đến các cánh đồng karst (polje) rộng lớn. Ở đây có những dấu vết ít nhất là của một giai đoạn hoạt động nhiệt dịch (hydrothermal) trong quá trình kiến tạo địa hình karst cổ đại và lâu dài này. Cao nguyên này có lẽ là một trong những ví dụ địa hình điển hình nhất của dạng cấu tạo karst phức tạp ở khu vực Đông Nam Á.

Phong Nha là nơi ghi lại một số lượng lớn các dấu vết lịch sử Trái đất. Đây là một nơi đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta khám phá về lịch sử địa chất, địa mạo và địa thời của khu vực.

Tính toàn vẹn

Trải dài trên diện tích 85 754 ha, kết thúc ở phía tây giáp biên giới với Lào, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, trong biên giới của nó, có tất cả các yếu tố cần thiết để thể hiện những giá trị địa chất đặc biệt. Vườn quốc gia nằm bên trong một vùng đệm bảo vệ rộng 200 000ha và bao gồm ba khu vực quản lý: khu vực được bảo vệ hoàn toàn (64 894 ha), khu vực tái tạo sinh thái (17 449 ha) và khu vực dịch vụ hành chính (3 411 ha).

Có một số vấn đề đặt ra đối với tính toàn vẹn của vườn quốc gia, bao gồm phần lớn lưu vực dòng chảy không đi vào bên trong nó và có một con đường đi ngang qua. Trước kia, nạn săn bắn trái phép gây ra nhiều vấn đề, đe dọa đến các giá trị của khu vực, nhưng ngày nay, những vấn đề này đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, vẫn cần phải thực hiện công tác quản lý và kiểm soát thường xuyên để đảm bảo nạn săn bắn trái phép không tái diễn.

Vườn quốc gia nằm trong một khu vực rất đông dân cư, vì thế mà các hoạt động canh tác, du lịch, giao thông, đánh bắt cá diễn ra đang ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của Vườn quốc gia. Tuy nhiên, các hoạt động kể trên đang được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Vì vậy, cảnh quan tự nhiên, các giá trị địa chất và địa mạo cùng tất cả các yếu tố quan trọng của vườn quốc gia như rừng nguyên sinh, các hang động, các dòng sông và suối vẫn còn nguyên vẹn.

Những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và quản lý

Từ một khu bảo tồn tự nhiên vào năm 1986, theo Quyết định 189/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, vào năm 2001, Phong Nha – Kẻ Bàng đã trở thành Vườn quốc gia và được đặt dưới sự giám sát của một ban quản lý. Ban quản lý được thành lập năm 1994, chịu trách nhiệm bảo vệ các tài nguyên rừng và đa dạng sinh thái. Việc gìn giữ các hang động và tiến hành các dịch vụ hành chính thuộc thẩm quyền của Trung tâm văn hóa và sinh thái du lịch, trực thuộc Ban quản lý. Có hơn 470 nhân viên được đào tạo theo nhiều ngành nghề kĩ thuật khác nhau đang cùng thực hiện công việc quản lý này. Vườn quốc gia đã được đưa vào Danh sách di tích quốc gia đặc biệt (2009) và được xếp vào hệ thống Rừng đặc dụng (1999). Vườn quốc gia được đặt dưới sự bảo vệ của một số luật và quyết định của chính phủ, những văn bản pháp luật này nghiêm cấm tất cả các hành động có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến các giá trị của di sản diễn ra bên trong hoặc bên ngoài biên giới của Vườn quốc gia hoặc của khu vực được công nhận là Di sản thế giới.

Một kế hoạch quản lý đã được chuẩn bị từ năm 2010, trong khuôn khổ của kế hoặc này, nhiều chương trình bảo tồn chặt chẽ đã được tiến hành, bên cạnh đó là một kế hoạch chỉ đạo sửa đổi đang trong quá trình xây dựng. Một kế hoạch quản lý du khách cũng được soạn thảo cùng một kế hoạch hành động của địa phương nhằm kiểm soát hoạt động săn bắn và buôn bán động vật đã có hiệu lực từ năm 2005. Ngoài ra, Ban quản lý đã bổ nhiệm 10 vị trí canh gác săn bắn và thành lập một đội tuần tra cơ động nhằm phát hiện hoạt động săn bắn trái phép bên trong khu di sản. Địa hình hiểm trở, việc quản lý còn gặp khó khăn, nhiều hộ dân trong vùng đang sống với thu nhập thấp, thiếu các nguồn tài chính cần thiết phục vụ việc giám sát là những nguyên nhân gây khó khăn cản trở việc ngăn chặn hoạt động săn bắn động vật hoang dã và khai thác gỗ trái phép. Tình trạng này cũng đặt ra một thách thức đòi hỏi phải có những nỗ lực không ngừng trong tương lai nếu không muốn các khó khăn kể trên ảnh hưởng đến khu di sản.

Đường Hồ Chí Minh được mở bên ngoài và đi qua phía Bắc của Vườn quốc gia tất nhiên là đã được đặt đúng chỗ. Con đường này đem đến nhiều lợi ích cho Vườn quốc gia thông qua việc mở những điểm tham quan ngắm cảnh và dẫn lỗi vào khu vực rừng Kẻ Bàng. Đường Hồ Chí Minh cũng góp phần cải thiện đáng kể giao thông xuyên suốt trục bắc-nam của đất nước quanh năm. Được xây dựng theo nhiều tiêu chí tôn trọng môi trường, con đường nối giữa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 20 đi qua khu di sản rất hẹp và ít có ảnh hưởng đến các giá trị thiên nhiên của Vườn quốc gia. Việc xây dựng các con đường khác trong vùng đòi hỏi phải thật thận trọng khi hoạch định cũng như khi xây dựng bởi lẽ các tác động của quá trình xây dựng, kể cả các tác động gián tiếp, có thể sẽ là mối đe dọa đối với các giá trị của khu di sản.

Những sức ép phát triển và tăng số lượng khách du lịch cũng sẽ gây ra nhiều tác động, và những tác động này cần phải được tiếp tục đánh giá, dự báo và quản lý. Về lâu dài, trong công tác quản lý Vườn quốc gia, ưu tiên hàng đầu sẽ là bảo tồn tính toàn vẹn các giá trị địa chất và địa mạo cũng như bảo vệ môi trường; tăng cường pháp luật; giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra bên trong Vườn quốc gia; xây dựng những tua du lịch sinh thái có hướng dẫn thích hợp; tăng cường sử dụng công nghệ ứng dụng để quản lý di sản; tiến hành nghiên cứu để mở rộng hiểu biết về các giá trị của khu di sản; tăng cường đào tạo cho đội ngũ nhân viên; tuyên truyền và thu hút sự tham gia hỗ trợ của cả cộng đồng./.

Dịch từ bài viết: Phong Nha-Ke Bang National Park trên website của UNESCO

Nguồn: http://whc.unesco.org/en/list/951/

Ảnh: http://en.wikipedia.org/wiki/File:Phongnha17.jpg

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác