Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


Mưa sao băng Perseids tấn công Trái Đất

Trận mưa sao băng đẹp nhất của năm, Perseids, đã đạt cực điểm vào đêm qua (12/8) với tần suất có thể thể lên tới 70-100 sao băng/giờ, một phần không nhỏ trong số đó là sao băng dài và sáng. Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Chòm Perseus, tâm điểm của trận mưa sao băng Perseids xuất hiện ở chân trời phía Đông -Bắc. Yếu tố thời tiết không gây nhiều khó khăn cho việc quan sát hiện tượng thiên văn kỳ thú này ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Khu vực miền nam ít khả năng chiêm ngưỡng được mưa sao băng”.

Mưa sao băng Perseids

Perseids là một trận mưa sao băng ngoạn mục nhất trong năm ở bán cầu bắc trong mùa hè. Nó cũng là trận mưa sao băng đánh dấu khởi đầu chuỗi các trận mưa sao băng lớn có thể quan sát thuận lợi ở Việt Nam gồm: Perseids, Leonids, Orionids, Geminids. Perseids được hình thành từ những mảnh vụn có kích thước tương đương một hạt cát hoặc hạt đậu của sao chổi Swift-Tuttle. Chúng ta có thể quan sát được sao băng rơi khi những mảnh vụn của sao chổi Swift-Tuttle rơi vào khí quyển Trái đất, từ khoảng ngày 20/7 đến ngày 25/8, trong đó, thời kì cực điểm thường rơi vào khoảng thời gian từ ngày 11 đến 13/8 khi chòm sao Perseus chứa tâm điểm quan sát lên đủ cao ở chân trời phía Đông.

Bởi vì trận mưa sao băng này trông có vẻ xuất phát từ chòm sao Perseus (Anh Tiên) nên nó được đặt tên là Perseids. “Perseids” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, chỉ hậu duệ của Perseus, một anh hùng trong Thần thoại Hy Lạp, con trai của Thần Zeus và công chúa Danae.

Giovanni Schiaparelli là nhà thiên văn học đầu tiên phát hiện ra rằng nguồn gốc gây ra mưa sao băng Perseids chính là sao chổi Swift-Tuttle. Sao chổi này được Lewis Swift và Horace Parnell Tuttle cùng quan sát và phát hiện vào ngày 15/8/1862. Sao chổi Swift-Tuttle quay quanh mặt trời với chu kỳ 135 năm. Trên đường đi, sao chổi Swift-Tuttle để lại một vệt đuôi bụi. Khi Trái đất đi ngang qua quỹ đạo của sao chổi, Trái đất sẽ gặp phần đuôi bụi sao chổi. Do ảnh hưởng của trọng lực, phần đuôi bụi này rơi xuống khí quyển Trái đất dưới dạng mưa sao băng. Mỗi năm, có khoảng 100.000 tấn bụi sao chổi rơi vào khí quyển trái đất với vận tốc khoảng 210.000km/h (tức là 59km/s), tạo ra những vệt sáng rực rỡ, trông giống như một cơn mưa rào phát sáng. Bụi sao chổi sẽ bốc cháy ở độ cao 115km và tắt ở độ cao trung bình là 90km. Khi hiện tượng này xảy ra, nhiệt độ của mưa sao băng Perseids có thể đạt tới 1.650 °C do ma sát với không khí.

Hướng dẫn quan sát mưa sao băng

Khi quan sát mưa sao băng Perseids, những vệt sao băng này có vẻ như rơi xuống từ một điểm duy nhất, gọi là điểm phát sao băng. Đây là một ảo ảnh thị giác giống như ảo ảnh xảy ra đối với một người lái ô-tô dưới trời mưa: người này có cảm giác các hạt nước mưa rơi xuống kính chắn gió từ đằng trước chứ không phải từ trên cao. Điểm phát sao băng, hay tâm điểm quan sát, của Perseids nằm tại chòm sao Perseus, ngay gần chòm sao Cassiopeia (Thiên Hậu).

Chúng ta có thể dễ dàng quan sát được mưa sao băng Perseids bằng mắt thường ở bán cầu bắc vào mùa hè (khoảng giữa tháng 8) vì vào khoảng thời gian này, quỹ đạo của Trái đất sẽ đi ngang qua đuôi sao chổi. Điều kiện lý tưởng nhất để quan sát mưa sao băng Perseids (hay bất kỳ trận mưa sao băng nào khác) là vào các đêm không trăng, không mây, từ một nơi tối và ít bị ô nhiễm ánh sáng nhất có thể. Nếu thấy trên trời xuất hiện các vì sao thuộc chòm sao Ursa Minor (Tiểu Hùng) thì đó chính là dấu hiệu cho thấy nơi bạn đang đứng là địa điểm thuận lợi nhất để quan sát mưa sao băng Perseids. Tốt nhất là nên hướng ánh mắt lên khoảng 50° so với đường chân trời theo hướng Đông-Bắc.

Ảnh: http://en.wikipedia.org/wiki/File:The_2010_Perseids_over_the_VLT.jpg

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác