Nhà thờ nổi tiếng Sagrada Familia ở Barcelona sẽ được hoàn thành vào năm 2026. Nhà thờ này do Antoni Gaudi – kiến trúc sư nổi tiếng người Catalan – thiết kế vào năm 1882, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Trong khi chờ đợi ngày hoàn thành, chúng ta có thể xem công trình này sẽ như thế nào một khi công việc xây dựng kết thúc thông qua một video clip mới được đưa lên mạng.
Khởi công từ năm 1882, nhà thờ công giáo Sagrada Familia cho đến nay vẫn đang dang dở. Cần phải đợi 13 năm nữa thì việc xây dựng mới hoàn tất. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ chúng ta đã có thể mường tượng ra toàn bộ công trình qua một video trên YouTube.
Một số người chê nhà thờ này xấu trong khi nhiều người khác lại cho rằng đây là một kiệt tác. Trải qua nhiều thập kỉ, tác phẩm của kiến trúc sư Gaudi đã trở thành biếu tượng của Barcelona, thủ đô văn hóa của Tây Ban Nha.
144 năm xây dựng
Ý tưởng xây nhà thờ là của một người bán sách quê Catalan tên là Josep Maria Bocabella. Sau khi viếng thăm Vatican trở về năm 1872, Bocabella quyết định xây nhà thờ bằng tiền quyên góp được. Nhà thờ được khởi công vào ngày 19 tháng 3, 1882 là ngày lễ Thánh Guise do kiến trúc sư Francisco de Paula del Villar họa kiểu theo lối Gothic Phục Hưng. Năm sau ông này về hưu và kiến trúc sư Antoni Gaudi thay thế. Gaudi tiếp tục việc thiết kế đồ án nhưng thay đổi hoàn toàn kiểu kiến trúc.
Khi bắt tay vào thực hiện công trình này, biết trước là sẽ kéo dài, Gaudi thường nói: “Thân chủ của tôi không cần gấp.” Năm 1926, Gaudi đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Lúc đó nhà thờ mới hoàn tất khoảng từ 15 đến 25%. Công việc xây dựng tiếp tục được giao cho ông Domènec Sugranes i Gras chỉ huy nhưng bị ngưng trệ vì cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1936.
Xui xẻo là họa đồ phần chưa xây của Gaudi lại bị thiêu hủy trong chiến tranh. Phần thiết kế công trình đang tiếp tục hiện nay người ta căn cứ vào các bản vẽ còn sót lại rồi phỏng đoán và thêm thắt theo lối xây dựng ngày nay. Sau nhiều lần thay đổi kiến trúc sư, kể từ những năm 1980, công trình được đặt dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Jordi Bonet i Armengol. Ông này hứa hoàn thành nhà thờ năm 2026 hoặc 2028 nhưng người ta không tin sẽ thành sự thật. Trong khi đó, vào năm 2008, một nhóm kiến trúc sư Catalan đã có ý kiến nên ngưng việc xây cất và để nguyên như hiện nay để thể hiện sự kính trọng ông Gaudi vì xây thêm chưa chắc đã đúng ý ông.
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng nhà thờ đã Giáo hoàng Benoît XVI thánh hiến và nâng lên thành Vương cung thánh đường vào năm 2010.
Những hình ảnh ấn tượng
Trong vòng khoảng 1 phút 30 giây, video đã khắc họa hoàn chỉnh công trình, bắt đầu từ hình ảnh nhà thờ như hiện nay cho đến hình ảnh hoàn tất cuối cùng: một thánh đường khổng lồ, bao gồm 18 ngọn tháp kì vĩ. Các ngọn tháp này lần lượt đại diện cho 12 tông đồ của chúa Giêsu, 4 vị viết sách Phúc Âm Tân Ước, chúa Giêsu và Đức Mẹ Đồng Trinh. Tháp mang tên Giêsu sẽ có chiều cao 172m. Ba mặt của nhà thờ đều có tên riêng, kể lại ba giai đoạn trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Bên trong nhà thờ được thiết kế tinh tế với những họa tiết, phù điêu cầu kì và tinh xảo, ánh sáng xuyên thẳng qua những ô cửa sổ màu độc đáo trên vòm trần và những khuôn cửa lớn kính màu lộng lẫy tạo nên không khí vừa uy nghi, vừa huyền bí, mê hoặc khách tham quan. Nhà thờ hiện nay có chiều dài 90m, rộng 60m, trần cao 45m, đủ chỗ cho 9000 người.
Công trình của một thiên tài
Gaudi đã cống hiến toàn bộ sức lực, tâm huyết, sức sáng tạo trong suốt 43 năm của đời mình cho kiệt tác này với mong muốn Sagrada Familia sẽ trở thành ngôi thánh đường cao nhất thế giới với ngọn tháp cao nhất thế giới.
Ngày nay, nhà thờ Sagrada Familia vẫn tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện dựa trên những bản vẽ còn sót lại của Gaudi. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của vị kiến trúc sư vĩ đại.
Câu chuyện về kiệt tác Sagrada Familia của Gaudi chưa biết bao giờ mới đến hồi kết. Nhưng Vương cung thánh đường này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới mặc dù vẫn còn đang xây dựng dang dở. Không biết Gaudi có điên hay không, nhưng bây giờ ai cũng xem ông như một thiên tài.
Theo France Info.