Đêm hôm qua và sáng sớm nay (17/10), không khí lạnh đem theo mưa đã mở rộng ra hầu hết các nơi ở nam đồng bằng Bắc Bộ và một số nơi thuộc Trung Trung Bộ. Ngày và đêm nay (17/10), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Không khí lạnh gây mưa cho các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ
Ở khu vực Bắc Bộ, không khí lạnh tăng cường đã và sẽ gây mưa nhiều nơi. Từ đêm qua, vùng mưa đã mở rộng ra các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội, nhiệt độ ban đêm ở mức thấp, tại thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng là 18 – 21 độ C, trời lạnh, ở vùng núi mưa không lớn nhưng nhiệt độ ở mức 15 – 18 độ C, trời chuyển rét. Ban ngày nhiệt độ cao nhất ở thủ đô Hà Nội và phía đông Bắc Bộ phổ biến 22 – 25 độ C, các tỉnh phía Tây Bắc Bộ là 24 – 27 độ C.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4 – 5.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển phía Bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động.
Lũ lụt ở miền Trung gây hậu quả nặng nề
Ngày hôm nay mưa lũ ở các tỉnh miền Trung tiếp tục lên nhanh do không khí lạnh gây mưa với lượng lớn trên diện rộng từ khu vực Thanh Hóa đến Quảng Nam.
Bão số 11 đã tan, nhưng người dân miền Trung vẫn tiếp tục phải hứng chịu một trận lũ lớn, trên các sông suối ở Hà Tĩnh, Quảng Bình nước lên nhanh, làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn bị nhấn chìm dưới nước, một vài nóc nhà nhô lên giữa biển nước mênh mông.
Tại Quảng Bình, một trận lốc xoáy xảy ra vào 2h sáng 16/10 tại xã Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch) đã làm ít nhất 2 người chết, 24 người bị thương nặng, và nhiều ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn. Nước lũ lên nhanh khiến giao thông qua các huyện phía tây của tỉnh như Minh Hóa,Tuyên Hóa bị tê liệt, nhiều khu dân cư bị cô lập. Ở huyện Lệ Thủy, hàng trăm ngôi nhà chìm trong nước lũ, một số khu vực ngập rất sâu.
Ở Hà Tĩnh, mưa liên tục khiến toàn bộ thành phố Hà Tĩnh và các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang bị ngập lụt nặng nề. Đến chiều 16/10, hơn 700 nhà dân tại huyện Hương Khê và khoảng 670 nhà dân tại huyện Hương Sơn bị ngập và cô lập. Trong hai ngày 15-16, lượng mưa phổ biến ở Nghệ An đạt mức 70-200mm trong khi đó các hồ chứa (ở các huyện như Thanh Chương, Nam Đàn…) hầu hết đã xả tràn ở mực nước thiết kế nên đã làm ngập lụt nhiều nơi ở hạ du.
Dự báo: Lũ trên các sông ở Thanh Hóa và hạ lưu sông La tiếp tục lên; thượng nguồn sông La và các sông ở Quảng Bình tiếp tục xuống. Đến tối và đêm nay (17/10), mực nước tại một số trạm chính trên các sông có khả năng như sau:
– Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,2m, trên BĐ2: 0,3m;
– Sông La tại Linh Cảm lên mức 6,0m, dưới BĐ3: 0,5m;
– Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức: 9,8m, dưới BĐ3: 0,7m ;
– Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống mức: 9,2m, dưới BĐ1: 0,8m;
– Sông Gianh tại Mai Hóa xuống dưới mức BĐ1
– Các sông ở Thanh Hóa và Nam Quảng Bình ở mức BĐ1 và trên BĐ1
Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình…
Tình hình giao thông miền Trung trong lũ
Theo Khu Quản lý đường bộ IV, trên quốc lộ 18 qua Hà Tĩnh đã ngập sâu 0,4-0,8 m nhiều đoạn đường gây ùn tắc giao thông.
Trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có 2 điểm ngập sâu từ 0,5 – 0,7m nước, gây tắc giao thông từ lúc 6h sáng ngày 16/10. Trên tuyến quốc lộ 12C cũng có 2 điểm ngập sâu đến nửa mét nước, 1 điểm nước ngập trên 70cm.
Lũ dâng cao cũng khiến đường sắt Bắc – Nam từ Vinh đến Đồng Hới tê liệt từ sáng hôm qua với 7 điểm bị sạt lở lớn, nhiều đoạn đường sắt ngập sâu 0,4 – 0,6 m trong nước. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện có 3 điểm sạt lở đã được xử lý, còn các điểm khác phải chờ nước rút mới có thể đưa người và phương tiện vào sửa chữa.
Do đường sắt đình trệ, 3 chuyến tàu SE3, SE19, SE8 đã bị kẹt tại các ga ở Vinh, Quảng Bình từ 5h sáng ngày 16/10 với khoảng 1.000 hành khách.
Ảnh facebook Hà Nội Phố