Những ngày qua, tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ, thời tiết duy trì nắng và khá oi bức, với mức nhiệt cao nhất ban ngày lên tới 34 – 35 độ C. Trong khi đó, các tỉnh Nam Bộ, mặc dù vẫn có nắng nhưng nắng không gay gắt và vẫn có mưa dông xuất hiện vào các buổi chiều tối.
Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa trên diện rộng
Theo dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc Trung Bộ và giữa biển Đông cùng với gió tây nam duy trì trên khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, trong 2 ngày cuối tuần tới, các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa trên diện rộng. Mưa sẽ có xu hướng giảm dần vào chiều tối ngày chủ nhật. Nhiệt độ cuối tuần tại khu vực có xu hướng tăng nhẹ lên mức 31 – 33 độ C và về đêm xuống mức 23 – 26 độ C.
Trung Bộ có mưa nhưng vẫn oi bức
Do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, thời tiết tại các tỉnh ven biển Trung Bộ trong 2 ngày cuối tuần duy trì ở trạng thái ngày nắng, chiều tối có mưa nhưng mưa không liên tục, kèm theo độ ẩm không khí cao mang lại cảm giác khá oi bức. Nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 33 – 35 độ C ở Bắc Trung Bộ và 31 -33 độ C tại Nam Trung Bộ.
Bắc Bộ duy trì oi bức
Tại các tỉnh Bắc Bộ, thời tiết cuối tuần vẫn duy trì oi bức. Trong ngày đôi lúc có xuất hiện mưa rào và dông nhưng cơn mưa ngắn, lượng mưa không lớn vẫn không đủ làm dịu bớt cái oi bức của không khí. Nhiệt độ cao nhất trong 2 ngày cuối tuần phổ biến ở mức 34 – 35 độ C, về đêm giảm xuống mức 25 – 28 độ C.
Cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển
Theo thông tin của Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn Trung ướng, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp phân tích trên nên khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, giật cấp 6, cấp 7.