Dự báo thời tiết Hà Nội
Thời tiết hôm nay, ngày mai, 3, 5 và 10 ngày tới


Các cơn bão hình thành như thế nào?

Các cơn bão hình thành ở các vùng biển ấm và có đường kính từ 500 đến 1.000 km.

Tùy theo vị trí địa lý mà bão được gọi theo các cách khác nhau: ở vùng Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, nó được gọi là “typhoon”; ở Bắc Đại Tây Dương và Đông Bắc Thái Bình Dương, người ta gọi nó là “hurricane” và ở Tây Nam Ấn Độ Dương nó được gọi là “tropical cyclone”. Tuy nhiên tất các các từ này đều chỉ một hiện tượng thời tiết chung, đó là các áp thấp nhiệt đới trở nên dữ dội nhất, có khả năng giải phóng ra một sức mạnh tương đương 10 lần quả bom nguyên tử Hiroshima.

Bão được đo bằng thang bão Saffir-Simpson với 5 cấp bão tùy theo tốc độ gió tối đa và mức độ thiệt hại mà cơn bão có khả năng gây ra. Siêu bão Hải Yến (Haiyan) vừa qua được xếp vào loại bão cấp 5, cấp mạnh nhất, với tốc độ gió cực đại lên tới 315 km/h và các trận cuồng phong với tốc độ 380 km/h (theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản và Trung tâm cảnh báo bão liên hợp Hoa Kì).

Ở cường độ mạnh nhất, áp suất vùng tâm bão có thể đạt từ 870 đến 895 hectoPascal. Bão Hải Yến được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử. Kỉ lục trước đây dành cho cơn bão Tip trên Thái Bình Dương. Theo Cơ quan Khí tượng Pháp, cơn bão này có áp suất là 870 hPa, đo được vào ngày 12/10/1970 và tốc độ gió cực đại lên tới 305 km/h.

Mắt bão

Mỗi năm, người dân Philippines phải chịu đến hai chục cơn bão lớn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10. Trên thế giới, mỗi năm có 80 cơn bão hình thành ở phía trên khu vực biển nhiệt đới.

Bão thường hình thành trên các vùng biển ấm: bởi vì để bão phát triển, nhiệt độ nước biển ở 60 mét nước đầu tiên cần phải lớn hơn 26 độ C. Cơn bão sẽ hút năng lượng từ hơi nóng mà nước biển tỏa ra, sau khi bão đi qua, vùng biển này sẽ giảm nhiệt độ. Cơn bão cũng đóng vai trò như một chiếc van không lồ xả nguồn năng lượng dư thừa tích tụ trên các đại dương ở khu vực nhiệt đới.

Các cơn bão có đường kính từ 500 đến 1.000 km và có vùng trung tâm khá tĩnh lặng được gọi là “mắt bão”.

Nước biển dâng do bão

Khi đổ bộ vào lục địa, cơn bão sẽ suy yếu dần dần nhưng vẫn có thể gây ra những thiệt hại nặng nề do mưa to gió lớn. Bên cạnh đó, bão còn gây ra một hiện tượng nguy hiểm trên biển, đó là sóng lừng do gió gây ra, sóng lừng di chuyển thậm chí còn nhanh hơn cơn bão. Sóng lừng thường xảy ra khi cơn bão còn cách bờ 1.000 km. Mực nước biển có thể dâng lên đến vài mét. Hiện tượng nước biển dâng do bão này có thể gây ra lụt lội nghiệm trọng.

Nhờ vào các vệ tinh, đường đi của cơn bão được đặt dưới sự theo dõi của Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization, WMO) và các trung tâm chuyên trách (đặt tại Miami, Tokyo, Honolulu, New-Delhi, v.v…); các tin cảnh báo sẽ được gửi đến tất cả các cơ quan khí tượng của khu vực nơi xuất hiện bão.

Nguồn: Theo LesEchos.fr

Ảnh: Bão Hải Yến nhìn từ Trạm vũ trụ Quốc tế

Bạn thích bài viết này? Hãy bấm like và comment để chia sẻ cùng bạn bè.

Các bài khác